Phong cách thời trang vintage hay retro có nhiều định nghĩa. Nhưng về cơ bản thì mọi người thường liên tưởng ngay đến sự hoài cổ, hoặc mang lại cảm giác của những thập niên 70s, đâu đó có hơi thở của Tây Âu cổ điển. Tuy nhiên, phong cách thời trang này lại mang nhiều ý nghĩa và nhiều điều thú vị hơn nữa.
Vintage ban đầu với nghĩa nguyên thủy dùng trong quá trình sản xuất rượu. Sau đó người ta nâng lên dùng để chỉ một chiếc xe cũ có tuổi đời ít nhất là 50 năm (Vintage car). Cuối cùng, những người buôn bán quần áo secondhand dùng thuật ngữ này để chỉ những bộ trang phục cũ thường rất đẹp và công phu thuộc về những thập niên cũ.
Từ sự chuyển đổi đó mà từ vintage dần dần có nghĩa là hoài cổ, nhưng cũng không cổ tới mức “cổ đại”, mà chỉ cổ tới tầm thập niên 30s thôi. Vì sao ư? Có lẽ là vì ban đầu được chỉ những bộ quần áo sản xuất từ giai đoạn này. Và có lẽ cùng vì vậy mà chúng ta cảm thấy có cái hồn của Tây Âu một thời vang bóng trong đó.
Sự phát triển kỳ lạ…
Dù ban đầu được dùng để đề cập tới những trang phục và trang sức công phu, gần như là ở mức xa xỉ… nhưng tới hiện tại nó lại có sự thay đổi lớn. Vintage đã trở thành điều gì đó “bình dân” hơn, giản dị hơn.
Thời trang vintage thường gắn liền với sự thô mộc, không lòe loẹt, màu sắc trầm, không tươi kiểu rực rỡ mà lại khiêm cung hơn. Kỹ thuật may mặc cũng tập trung vào sự tinh tế ở kiểu dáng và đường kim mũi chỉ chứ không phải những họa tiết cầu kỳ đập vào mắt người ngắm. Phong cách thời trang vintage cũng thoải mái và phóng khoáng hơn sự gò bó của những thập niên xưa cũ.
Chất liệu sử dụng thường không bóng láng, không phản xạ ánh sáng mà thường thô nhám, khiêm tốn. Chúng ta có thể thấy phần lớn là những loại vải có chất khá thô, sợi to dễ thấy bằng mắt thường, dệt cũng thưa hơn vải công nghiệp, thoáng hơn và thường có nguồn gốc tự nhiên. Kèm với vải thường là da và các chi tiết kim loại như khóa kéo hoặc nút đồng thau, thậm chí đôi khi là gỗ. Thỉnh thoảng cũng những phụ kiện có chất liệu hiện đại hơn như là resin, nhựa tổng hợp,… nhưng rất ít.